Mekong Connect 2020 bàn cách đưa nông sản Việt ra thế giới
ĐỒNG THÁP – Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" thu hút đông đảo thành phần tham dự, hôm 21/12.
Tiếp nối thành công của diễn đàn Mekong Connect diễn ra hàng năm, diễn đàn Mekong Connect lần thứ 5 năm 2020 lần đầu tiên được tổ chức tại Đồng Tháp. Chương trình do mạng lưới liên kết của An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao thực hiện.
Sự kiện có sự tham gia của 700 nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup muốn phát triển sản phẩm từ nguồn tài nguyên địa phương, các doanh nghiệp muốn phát triển thị trường, các nhà mua hàng quốc tế…
Diễn đàn Mekong Connect 2020 diễn ra ngày 21/12.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Phong – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, diễn đàn lần này đã chọn chủ đề "Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" với mục tiêu tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục được thị trường quốc tế. ĐBSCL, trước mắt là các địa phương An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không thể chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay.
"Diễn đàn Mekong Connect 2020, ngoài nhiệm vụ kết nối kinh tế, còn là điểm sáng trong thực hiện liên kết để phát triển nhanh và bền vững trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19", ông Lê Quốc Phong nói.
Theo đó, diễn đàn năm nay được đánh giá cao với các nội dung thiết thực, cần thiết và đem lại những giá trị thực tế đối với các đơn vị, thành phần tham dự. Chương trình diễn ra xuyên suốt ngày 21/12 với nhiều nội dung, một trong những chủ đề chính của phiên thảo luận sáng xoay quanh các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại đối với các sản phẩm nông nghiệp và quá trình phát triển của ĐBSCL trong tương lai.
Các diễn giả trong phiên thảo luận sáng của Mekong Connect 2020 cũng chỉ ra khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên. Đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ Việt Nam muốn vào thị trường EU.
"Kiểm dịch động thực vật, thuế chống phá giá, thuế chống lẩn tránh, các biện pháp tự vệ lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho các mức thuế hạ của FTA", bà Bùi Kim Thùy từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN nói.
Ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Eurocham cho biết thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường 450 triệu dân này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững.
"Đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm", ông nói.
EVFTA cùng những hiệp định thương mại khác tạo những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chao đảo, mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác.
"Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên thì những thách thức vẫn còn ở đó", bà Phạm Chi Lan nói.
Theo chuyên gia, thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn và chất lượng cao và doanh nghiệp Việt có khả năng bị lãng quên trong thị trường lớn này. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực hơn nữa thì các thị trường EVFTA và CPTPP cũng sẽ "lãng quên" Việt Nam.
Cũng tại Diễn đàn Mekong Connect 2020, chủ đề "Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp" do ông Leon Trương – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS trình bày đã nhận nhiều sự quan tâm từ cộng đồng khởi nghiệp.
Ông Leon Trương – Chủ tịch DTS tại sự kiện. Ảnh: DTS.
Theo đó, giải pháp này có thể phân thành các giai đoạn, đầu tiên là xác định mô hình kinh doanh và chuyển đổi số có vai trò như thế nào đối với chiến lược doanh nghiệp, kế tiếp phải xác định được vị trí, mức độ của mình trên bản đồ chuyển đổi số và định hướng mục tiêu cho doanh nghiệp, bước tiếp theo là lựa chọn mô hình chuyển đổi từng chức năng, hay thành lập trung tâm chuyển đổi hay chuyển đổi toàn phần. Sau đó lập kế hoạch cụ thể và đưa ra quyết định thuê nhân lực bên ngoài hay khai thác tiềm năng nguồn lực nội bộ, yếu tố cuối cùng là doanh nghiệp nên học cách quản lý kết quả của các công ty cung cấp dịch vụ thay vì học cách triển khai các dịch vụ số.
"Cộng đồng khởi nghiệp muốn chuyển đổi số thành công thì phải thực hiện chuyển đổi từng bước, hoàn thiện từ cơ bản đến nâng cao", ông Leon Trương nói.
Tại sự kiện, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho 16 doanh nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm.
Nguồn: VNExpress
Đường dẫn bài viết chi tiết: