Kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tỉnh Thừa Thiên – Huế
Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Thừa Thiên – Huế hôm 4/11 cung cấp nhiều giải pháp từ Liên minh Chuyển đổi số DTS và các chuyên gia.
Sự kiện "Kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Thừa Thiên Huế" do Sở Công Thương Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị tổ chức. Chương trình đã thu hút đông đảo các thành phần tham dự với nội dung hữu ích và thực tế cho doanh nghiệp.
Hội nghị sáng 4/12. Ảnh: DTS.
Sự kiện nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tỉnh Thừa Thiên Huế kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và giới thiệu sản phẩm với các doanh nghiệp khác. Chương trình hỗ trợ tìm kiếm các đơn vị phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đồng thời giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tạo cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ đề xuất, giải pháp kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm.
Đơn vị sản xuất sản phẩm tham gia hội nghị kết nối sẽ có gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ được chia sẻ về giải pháp bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Gian hàng trưng bày tại hội nghị kết nối giao thương tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: DTS.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, việc triển khai thương mại điện tử của các tỉnh thành còn yếu và chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Hầu hết, các doanh nghiệp đã được tác động, thay đổi tư duy và nhận thấy cơ hội của thương mại điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai như thế nào để đạt hiệu quả là vấn đề đối với mỗi doanh nghiệp. Thiếu hụt về nguồn vốn và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hạn chế là những khó khăn cản trở sự phát triển của thương mại điện tử tại các tỉnh thành. Vì vậy, các Sở, ban ngành và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sẽ phối hợp để cải thiện, khắc phục và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thương mại điện tử tại các tỉnh thành trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Khanh – Trưởng đại diện Chi hội Thương mại điện tử Đà Nẵng chia sẻ mục tiêu kết nối thương mại trong khuôn khổ chương trình. Tiếp nối hội thảo là giải pháp chợ phiên online cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải pháp mới do Liên minh Chuyển đổi số DTS cung cấp được xem là điểm nhấn nổi bật tại hội nghị lần này.
"Với mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp truyền thống được trải nghiệm hình thức vận hành mua bán trên sàn thương mại điện tử, đem lại doanh thu và lợi nhuận thực tế. Chợ phiên online là giải pháp cần thiết, hiệu quả giúp doanh nghiệp tăng trải nghiệm, ứng dụng thương mại điện tử để tạo đột phá doanh thu", ông Leon Trương – Chủ tịch Liên Minh Chuyển đổi số DTS chia sẻ.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản… của Thừa Thiên Huế cũng được đánh giá phù hợp với tiêu chí của chợ phiên online. Doanh nghiệp quảng bá, bán sản phẩm trên sàn trực tuyến và người tiêu dùng mua sắm sản phẩm chất lượng an toàn, tiện lợi. Giải pháp này giúp doanh nghiệp ứng phó trước diễn biến phức tạp, đáp ứng thực hiện các quy định phòng chống Covid-19, đảm bảo sự ổn định so với hình thức mua bán truyền thống trước đây.
Những tác động tích cực từ trải nghiệm bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử sẽ là nguồn động lực mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số, hội nhập với sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam và toàn cầu.
Sau cùng là phần tọa đàm chia sẻ nhu cầu, khó khăn và kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh, trao đổi các yêu cầu về tiêu chí hàng hóa khi đưa vào hệ thống các siêu thị, điểm bán hàng, phương pháp chăm sóc khách hàng 4.0 đa nền tảng và chiến thuật tăng doanh số hiệu quả. Cùng với đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng địa phương. Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Sở Công Thương, đại diện nhà phân phối và doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group – Phó trưởng ban đào tạo VECOM và ông Đinh Thái Hà – CEO Công ty Công nghệ ViHAT.
Đơn vị tham gia đưa ra vấn đề thắc mắc cho các chuyên gia tại hội nghị. Ảnh: DTS.
Sau các nội dung được trình bày và chia sẻ thực tế từ các diễn giả là hoạt động kết nối tiêu thụ. Thông qua chương trình trực tiếp tại hội nghị, các nhà phân phối, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất được giao lưu, kết nối và thúc đẩy hoạt động mua bán giữa các đơn vị. Ngoài ra, hội nghị cũng hỗ trợ tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và nâng cao thương hiệu đặc sản địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, bán hàng trên sàn thương mại điện tử là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh truyền thống lâu đời. Với hình thức mua bán trực tuyến này giúp doanh nghiệp vận hành ổn định, tăng trưởng doanh thu và hạn chế những rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Nguồn: VNExpress
Đường dẫn bài viết chi tiết: